Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông cũ nên về cơ bản hình thức tổ chức, mô hình sẽ được giữ ổn định như những năm trước.
Mục lục:
Hạn chế tối đa các phương thức tuyển sinh phức tạp
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học đồng thời yêu cầu các trường đại học nhanh chóng hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 phù hợp nhất với chương trình GDPT 2018. Trong văn bản yêu cầu các cơ sở Giáo dục cần khắc phục nhanh chóng các bất cập trên cơ sở phân tích dữ liệu, lưu ý hoàn thiện những phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản nhưng vẫn tuân thủ đúng quy chế tuyển sinh, hạn chế đến mức tối đa các phương thức tuyển sinh phức tạp và gây khó khăn cho các thí sinh.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần xây dựng và công bố những phương thức tuyển sinh cho năm 2024 trở đi và khi có những thí sinh tốt nghiệp của chương trình THPT 2018. Đối với những phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cũng cần đảm bảo cả về cấu trúc, nội dung đảm bảo chuẩn theo chương trình GDPT 2018.
Sớm công bố phương thức tuyển sinh năm 2024
Theo dự kiến của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tháng 11/2023 nhà trường sẽ công bố đề án tuyển sinh cho năm 2024. TS. Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, về cơ bản nhà trường sẽ vẫn giữ ổn định về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả học bạ, xét tuyển thẳng và sử dụng kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM như năm vừa qua. Các phương thức tuyển sinh sẽ không thay đổi nhiều nhưng sẽ có sự điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển và phù hợp với chương trình GDPT 2018.
Về các phương thức tuyển sinh năm 2025, trường sẽ không thay đổi nhiều mà chỉ điều chỉnh tổ hợp các môn xét tuyển cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018, và dự kiến đến tháng 11/2024 sẽ công bố đề án tuyển sinh 2025.
Trường ĐH Nha Trang là đơn vị đầu tiên công bố dự thảo phương hướng tuyển sinh đại học hệ chính quy từ năm 2025 trở đi. Theo TS. Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, từ năm 2022, học sinh lớp 10 học theo Chương trình GDPT mới 2018, học sinh được chọn môn học theo sở thích. Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và xét tuyển vào đại học. Vì vậy, nếu các trường không công bố sớm phương hướng tuyển sinh, đặc biệt là định hướng môn học cần phải được trang bị ở cấp THPT sẽ khó cho cả thí sinh và nhà trường khi xét tuyển đại học.
Với Trường ĐH Tài chính – Marketing và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ công bố đề án tuyển sinh năm 2024 vào vào khoảng tháng 12 trên tinh thần giữ ổn định như năm 2023 cả về phương thức xét tuyển và chỉ tiêu.
ĐH Bách khoa Hà Nội vừa chính thức công bố các đợt thi đánh giá tư duy (TSA) năm 2024. Theo đó, trường sẽ tổ chức 6 đợt thi, từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024. Về nội dung và hình thức thi được giữ nguyên như năm 2023. Thống kê cho thấy, năm 2023 có 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội làm căn cứ xét tuyển năm 2023.
Trước đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2024 sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn năm 2023 là hai đợt. GS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Dự kiến, đợt thi sớm nhất tổ chức vào ngày 23-24/3/2024 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1-2/6/2024. Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm sau.