Cách đăng ký nguyện vọng để tăng tỷ lệ đậu cao nhất

Trong khoảng thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, việc sắp xếp nguyện vọng sao cho tối ưu nhất là điều mà bất cứ thí sinh nào cũng không thể bỏ qua. Hãy tìm hiểu về cách đăng ký nguyện vọng để tăng tỷ lệ đậu cao nhất qua bài viết dưới đây:

Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT

Các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất).

Nguyện vọng của thí sinh được thể hiện thông qua lựa chọn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT) gồm:

– Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất);

– Lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường);

– Lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo (mã ngành);

– Lựa chọn phương thức tuyển sinh (mã phương thức);

– Lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo bài thi/môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học cấp THPT.

Sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn (dự kiến) từ cao đến thấp

Những câu hỏi như:

– “Em muốn học Dược học nhưng khả năng chỉ đỗ Y dược Hải Phòng nên em định xếp Y dược Hải Phòng làm NV1, Dược Hà Nội làm NV2 có được không?” :v

Các bạn hỏi câu đó chứng tỏ các bạn chưa nắm rõ được quy tắc lọc ảo của hệ thống tuyển sinh trực tuyến.

điểm thi là ưu tiên số một, nên dù mục tiêu của bạn chỉ là mức thấp thì khi đăng ký bạn vẫn phải xếp ngành có điểm cao lên trên.

Trong tình huống của bạn trên, giả sử sau khi thi xong, Y dược Hải Phòng lấy 25đ còn Dược Hà Nội lấy 26.5 đ thì nếu bạn có được 28đ đi chăng nữa thì bạn cũng chỉ có thể đỗ Y dược Hải Phòng (Vì đã đỗ NV1 thì không được xét NV2) 

Rải nguyện vọng cách đều mục tiêu

Theo các chuyên gia hướng nghiệp và tuyển sinh, thời gian gian qua có nhiều bạn đăng ký nguyện vọng rất bất hợp lý, có khi khoảng cách điểm giữa NV1 và NV2 lên tới 3 điểm (VD: NV1 là 1 ngành năm ngoái lấy 24, NV2 là 1 ngành năm ngoái lấy 21).

Như vậy các em đang hoàn toàn không hiểu gì về những thuận lợi trong đăng ký nguyện vọng mà Bộ đang tạo điều kiện cho các em khi cho pháp đăng ký nguyện vọng không giới hạn, các em đang tự đánh mất lợi thế của mình.

Vì vậy, lời khuyên cho các thí sinh đó là hãy lấy mức điểm mục tiêu của mình làm chuẩn rồi rải các nguyện vọng quanh mức điểm này, chênh lệch khoảng 0,5-1 điểm.

Ví dụ nếu bạn “dự tính” điểm của mình có thể đạt được là 24. Hãy “rải thảm” ra khoảng 6-8-10 Nguyện vọng từ vùng 21.5-26.5đ, theo thứ tự:

– NV1: 26.5

– NV2: 26.0

– NV3: 25.5

…..

Khoảng cách như vậy đủ để “cầu may”, cũng đủ để phòng trừ rủi ro 😉 .

“Bước sóng” như vậy cũng đủ để đảm bảo cho em luôn luôn đỗ vào ngành có điểm chuẩn cao nhất có thể.

VD: Em thi được 23.5đ, nếu NV1 của em là 24 (trượt) và NV2 của em là 21 thì em sẽ đỗ mà thừa tới 2,5đ chuẩn – đây là điều vô cùng lãng phí. Hãy “rải thảm” ra cả mức 23.5; 23.0, … để kiểu gì em cũng được đỗ vào ngành “xịn”.

Đừng quên rằng sau khi thi xong em vẫn có quyền thay đổi các Nguyện vọng, kể cả thêm Nguyện vọng.

Chỉ tập trung các nguyện vọng vào 2-3 nhóm ngành có liên quan

Một lưu ý dành cho thí sinh là tránh việc đăng ký nguyện vọng dựa vào đam mê hay dựa vào cảm tính. Các em không nên bó buộc mình vào một ngành cụ thể mà hãy chọn những nhóm ngành có liên quan đến nhau. 

Các em cần tự đánh giá năng lực của bản thân để chọn ngành học phù hợp với mình, không nên lao theo những ngành hot mà bản thân không hiểu rõ gì về nó.

Hãy vạch ra cho mình 2-3 nhóm ngành liên quan khi đăng ký nguyện vọng. Mỗi ngành thường sẽ có những trường top đầu, khi chọn ngành, chọn trường, các em hãy chọn vào những trường danh tiếng, chuyên đào tạo về ngành đó.

Vậy tại sao lại là 1-3 nhóm ngành mà không phải 1?

Trong mỗi ngành học, thường chỉ có một vài trường “đỉnh cao” về nó. Khi em đã chọn 1 ngành, hãy chọn đúng trường “đỉnh cao”.

VD: về Dược học hãy chọn Dược Hà Nội, ĐH Y dược ĐHQG, …. không nên “quá cố” để chọn vào Dược của những đào tạo Top dưới mà em chưa dám chắc về chất lượng đào tạo và đầu ra …. hay về Kiểm toán – Kế toán – Tài chính – Ngân hàng, hãy ưu tiên KTQD, Ngoại thương, HV Tài chính, HV Ngân hàng, ….

Hiện nay các trường ĐH đều phát triển theo hướng đa ngành, nhưng trong số rất nhiều ngành đào tạo của trường, bao giờ cũng có những ngành thế mạnh truyền thống, ngành mũi nhọn, được ưu tiên đầu tư và được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Các em cần phải tìm hiểu kỹ để đánh giá, định vị được những ngành đó.

TRONG MÔI TRƯỜNG ĐỈNH CAO, EM SẼ ĐƯỢC HỌC NHỮNG THỨ ĐỈNH CAO TỪ NHỮNG NGƯỜI ĐỈNH CAO VÀ CHƠI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐỈNH CAO.

Nhưng “đỉnh cao” thì có ít và điểm thường cũng “đỉnh cao”. Do đó, cần có thêm “phương án 2”, “phương án 3” cho mình 🙂

Hãy cho mình 2-3 nhóm ngành để lựa chọn sao cho mỗi ngành đều có những “đỉnh cao” của nó.

VD nếu mục tiêu của bạn là Dược, hãy thêm phương án 2 là “Hoá dược/Hoá học,… và hãy chọn Dược Hà Nội, Bách Khoa, KHTN, … là những “đỉnh cao” của các ngành đó 😉

Thực tế là hiểu biết của chúng ta về từng ngành học cụ thể là rất hạn hẹp và chủ yếu do “tưởng tượng” ra.

Do đó, không cần phải bó buộc vào 1 ngành cụ thể mà hãy hướng về các nhóm ngành gần gũi nhau.

VD: các bạn thích Y thì Đa khoa – Răng (thậm chí Y Cổ truyền), có thể coi là chung 1 nhóm; các bạn chọn CNTT thì có thể thêm Toán Tin ứng dụng, Tự động hóa, Điện tử – Viễn thông; các bạn chọn Kế toán – Kiểm toán thì có thể thêm Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm; các bạn chọn Công nghệ sinh học thì có thể chọn Thực phẩm – Môi trường – …