Hàng loạt trường Y thiếu chỉ tiêu: liệu ngành Y đã hết hot ?

Sau đợt nhập học năm 2022, rất nhiều đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe lần đầu tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu, chủ yếu ở ngành Điều dưỡng, Y dự phòng. Vì sao lại thiếu nhiều chỉ tiêu đến vậy, liệu rằng có phải ngành Y đã hết hot?

Tuyển không đủ chỉ tiêu là tình trạng chung của nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe

Khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM hôm 22/9 ra thông báo tuyển bổ sung 160-170 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng. Năm ngoái, khoa này chỉ tuyển bổ sung 19 chỉ tiêu cho ngành Y khoa (6 chỉ tiêu), Răng Hàm Mặt (5) và Dược học (8), áp dụng với thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT 2021 và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM.

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn vào 15 và 16/9, nhiều trường đăng luôn thông báo tuyển bổ sung. Đại học Điều dưỡng Nam Định năm nay có 715 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng nhưng mới tuyển được 469 sinh viên. Trường phải đăng tuyển bổ sung 260 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng, tăng hơn 70 chỉ tiêu so với đợt xét tuyển bổ sung ngành này vào năm ngoái. Ngoài ra, trường tuyển bổ sung 160 sinh viên ngành Hộ sinh.

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cũng thông báo tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng, 10 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng. Ở trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, ngành Y học dự phòng mới tuyển được 52 sinh viên trên tổng chỉ tiêu 65, ngành Điều dưỡng tuyển được 264 trong khi chỉ tiêu là 350.

Tại Đại học Y Dược Hải Phòng, số thí sinh đăng ký ngành Điều dưỡng và Y học dự phòng “thiếu ngay từ đầu”. Ngành Điều dưỡng tuyển 200 sinh viên, tổng số nguyện vọng đăng ký là 618. “Nghe thì thấy nhiều, nhưng các em thường xếp là nguyện vọng 3, 4. Nên sau vài vòng lọc ảo đầu tiên, số thí sinh chỉ loanh quanh mức 120-160, cuối cùng 138 em trúng tuyển, dù trường đã lấy điểm chuẩn 19,05, sát mức sàn 19”, TS Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Đào tạo đại học, trường Đại học Y Dược Hải Phòng, cho biết.

Với ngành Y học dự phòng, trường tuyển được 32 sinh viên, trong khi chỉ tiêu 60. “Đây là lần đầu tiên trường thiếu nhiều sinh viên như vậy”, ông Ninh nói và cho biết số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng giảm mạnh tại nhiều trường Y Dược, hầu hết đang tuyển bổ sung.

Vậy nguyên nhân là do đâu?

Hàng loạt trường Y thiếu chỉ tiêu
Hàng loạt trường Y thiếu chỉ tiêu

Học phí các trường Y Dược đều đồng loạt tăng mạnh

Từ năm 2022, các trường Y Dược đều tăng học phí. Các trường đào tạo Y Dược đều tăng mức học phí lên tới 70% so với năm ngoái như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thái Bình…

Các trường đào tạo phía Nam cũng có mức học phí cao ngất ngưởng. Đại học Y Dược TP HCM có mức học phí ở mức 37-77 triệu đồng một năm. Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có mức học phí là 44 triệu 1 năm ở ngành Y Khoa. Ở các đại học tư thục, ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt của Đại học Hồng Bàng (TP HCM) có mức học phí 210 triệu đồng một năm với chương trình đại trà và 250 triệu đồng ở chương trình chất lượng cao (đào tạo bằng Tiếng Anh). Ngành Y khoa của Đại học Tân Tạo (Long An) cũng có mức học phí 150 triệu đồng.

Sinh viên Y phải chịu nhiều áp lực

”Đầu vào thì khó mà đầu ra không có. Đi học bao nỗi gian truân vất vả ra trường đi làm lương thì thấp. Phụ nữ không có thời gian để chăm sóc gia đình con cái. Áp lực công việc thì nhiều. Nói chung là cái nghề này  xã hội hay lên án và thật hơn là coi thường nhân viên y tế” – Một sinh viên Y Khoa, trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Năm nay số học sinh chuyển hướng từ Y sang các ngành khác nhiều hơn 5-10% so với các năm trước.

Lý do chủ yếu đến từ việc thời gian học tập và trưởng thành với nghề y quá lâu, để vững tay nghề cũng phải chạm mốc 30 tuổi. Chưa kể, thí sinh còn lo ngại về cơ hội xin việc vào các bệnh viện lớn và chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế. Trước những băn khoăn này, nhiều học sinh chuyển hướng sang các ngành công nghệ, kinh tế, tài chính… với thời gian đào tạo ngắn, nhanh được tham gia thị trường lao động hơn.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, điều này cũng giảm tỷ lệ sinh viên học sai ngành, thi lại, thậm chí bỏ nghề trong tương lai.

Việc chuyển hướng cũng có thể coi là một “nhân tố chọn lọc” với những học sinh thực sự đam mê với nghề. “Số lượng thí sinh dự thi có thể ít đi, nhưng điểm chuẩn thực chất hơn, chất lượng người học cũng sẽ được nâng cao, không chỉ kiến thức mà còn ở cái tâm với nghề”

Liệu ngành Y thực sự hết hot?
Liệu ngành Y thực sự hết hot?

Vẫn còn nhiều lý do để theo đuổi ngành Y đến cùng

Ngành Y là ngành cứu chữa con người, nếu đã chọn học theo ngành là gần như dành thanh xuân của mình để theo đuổi con đường học tập chữa bệnh cứu người. . Những người bác sĩ luôn vì tính mạng của những con người không phải thân thích của mình mà cố gắng hết sức mình từng phút, từng giây cứu lấy mạng sống của họ.

Đối với xã hội càng phát triển đồng nghĩa với việc nhu cầu của người dân đối với sức khỏe cũng tăng cao, vì vậy ngành Y luôn là ngành nghề cần thiết đối với xã hội. Đối với bất kì nơi nào, ở bất kì thời đại nào thì việc khám chữa bệnh đều là điều vô cùng cần thiết, vì vậy các bác sĩ tương lai khi ra trường sẽ không phải “bôn ba” ngoài xã hội để kiếm việc như những ngành nghề khác.

Xem thêm:

Trường Đại học Y Hà Nội tăng học phí lên đến 70% từ năm học 2022-2023

Điểm sàn khối ngành y dược được giữ ổn định

Kinh nghiệm ôn thi đại học khối B00 27+

Thí sinh lưu ý cẩn thận ”bẫy điểm sàn”: điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn gần 30 điểm