Trong đề thi THPTQG từ trước đến nay đều có phần làm văn nghị luận xã hội. Sau đây là một số mẹo làm bài văn nghị luận xã hội sao cho hay, đúng trọng tâm và ăn điểm trọn vẹn nhất.
Mục lục:
Biểu điểm câu nghị luận xã hội: (2,0 điểm)
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: 0.25 điểm.
- Xác định đúng vấn đề nghị luận: 0.25 điểm.
- Triển khai vấn đề nghị luận: 1,0 điểm.
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt: 0.25 điểm.
- Sáng tạo: 0,25 điểm.
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
- Thí sinh cần trình bày trong 1 đoạn văn, không được ngắt xuống dòng.
- Đề bài yêu cầu viết khoảng 200 chữ, nghĩa là có thể viết trên hoặc dưới 200 chữ, miễn viết đúng, đủ, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Tuy nhiên, tránh viết đoạn văn quá dài như một bài văn thu nhỏ.
- Học sinh có quyền lựa chọn hình thức trình bày đoạn văn phù hợp: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành. Tuy nhiên, nên ưu tiên chọn hình thức diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp.
Bố cục một đoạn văn theo hình thức: tổng – phân – hợp
- Mở đoạn: Có thể viết 1, 2 câu, gồm 1 câu dẫn dắt và 1 câu nêu vấn đề nghị luận.
- Thân đoạn: Triển khai, làm rõ vấn đề nghị luận bằng các lí lẽ và dẫn chứng phù hợp. Trong phạm vi một đoạn văn ngắn, chỉ nên chọn một dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Lưu ý thí sinh bày tỏ quan điểm riêng nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề, rút ra bài học trong khoảng 1 câu.
Lưu ý khi làm văn nghị luận xã hội
Tuyệt đối không viết đoạn văn giống như một bài văn thu nhỏ
Trong thang điểm chấm của Bộ GD có quy định giám khảo không cho điểm tối đa nếu bài làm triển khai ý như một bài văn ở câu viết đoạn 200 chữ.
Chẳng hạn với đề: Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống, nếu viết theo hình thức bài văn thu nhỏ, thí sinh sẽ trình bày theo hướng sau:
– Giải thích khái niệm niềm tin.
– Bàn về sức mạnh của niềm tin.
– Phê phán những người sống không có niềm tin
– Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Trong khi đó, với yêu cầu viết 1 đoạn văn, thí sinh chỉ cần dùng luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) để làm rõ luận điểm: Sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống. Tức là thí sinh trả lời câu hỏi: Niềm tin đem đến cho con người những sức mạnh nào? Nó có vai trò quan trọng như thế nào?
Làm bài văn chuẩn bố cục
Thí sinh cần diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Nếu diễn đạt rối rắm, sai chính tả, ngữ pháp sẽ bị trừ 0.25 điểm.
Dung lượng phù hợp của đoạn 200 chữ khoảng từ 2/3 đến 1 trang giấy thi.
Thời gian: Ở câu này, thí sinh nên làm trong khoảng 15 – 20 phút/ 120 phút.
Phần điểm cho sự sáng tạo là 0.25 điểm. Ít học sinh đạt được điểm này. Tuy nhiên, nếu cố gắng, thí sinh vẫn có thể đạt được. Vậy dấu hiệu của sự sáng tạo là gì?
– Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ (cách dùng từ, đặt câu…)
– Đoạn văn không chỉ đảm bảo viết đúng, đầy đủ, làm rõ vấn đề mà còn phải viết hay. Nếu được, thí sinh có thể dẫn vào 01 câu danh ngôn phù hợp ở phần mở đoạn hoặc kết đoạn để bài viết hay hơn.
Xem thêm:
Kinh nghiệm luyện đề thi THPTQG tiến bộ rõ rệt nhất
Kinh nghiệm ôn thi ĐGNL đạt 100+ dễ dàng từ A đến Z
TOP các trường đào tạo kinh tế chất lượng nhất Việt Nam