Cùng với Khối A thì khối C (Văn – Sử – Địa) cũng được rất nhiều thí sinh lựa chọn. Với sự cạnh tranh cao và nhiều chủ đề phong phú, việc chuẩn bị cho kỳ thi này đòi hỏi sự hiệu quả và cơ chế tổ chức học tập hợp lý. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ 5 bí kíp quan trọng giúp bạn ôn thi đại học khối C một cách hiệu quả, từ việc quản lý thời gian đến các chiến lược học tập độc đáo. Hãy cùng tìm hiểu để vượt qua kỳ thi một cách dễ dàng và tự tin.

Môn Văn

Với môn Văn, đề thi qua các năm có cấu trúc khá giống nhau bao gồm phần ĐỌC HIỂU và phần LÀM VĂN. Tuy nhiên thi sinh không nên học tủ, học vẹt, đoán trước đề. Nhưng vẫn cần xác định những chủ đề trọng tâm, tránh ôn bài quá lan man.

Đề thi tốt nghiệp môn Văn 2023

Về đề tài trong đề thì thường xoay quanh việc phân tích một đoạn văn, đoạn thơ, các trích dẫn trong chương trình Ngữ văn lớp 12, hoặc đó có thể là những sự kiện xã hội nổi bật trong năm. Do đó, ngoài việc ôn kiến thức trong sách vở, học sinh cũng cần nắm bắt những thông tin thời sự nổi bật qua báo mạng và những phương tiện truyền thông khác hằng ngày.

Để làm tốt phần ĐỌC HIỂU học sinh cần ôn gì, làm gì?

Ở đây, các em cần học hiểu các khái niệm của mỗi phần ngữ pháp, biết tìm các ví dụ cụ thể qua các tác phẩm trong sách giáo khoa để chứng minh. Đề thi phần đọc hiểu sẽ có những câu hỏi ngắn liên quan đến ngữ pháp, thường là hỏi về:

  • Phép tu từ ngữ âm: các biện pháp điệp âm, biện pháp tạo nhịp điệu, biện pháp âm hưởng.
  • Phép tu từ cú pháp: phép lặp cú pháp, biện pháp liệt kê, biện pháp chêm xen.
  • Luật thơ: tìm hiểu về các thể thơ chính trong văn học, sự hình thành luật thơ.
  • Hàm ý: đọc hiểu về hàm ý là gì, cách thức tạo các hàm ý và điều kiện để sử dụng hàm ý có hiệu quả.

Một vài năm trở lại đây, đề thi Ngữ văn thường có kèm theo câu hỏi về ý nghĩa của từ. Vì vậy khi đang ôn bài ở nhà, các em cần chú ý tìm hiểu ý nghĩa của từ nhất là những từ ẩn dụ, từ hán việt, có thể tập giải thích theo nghĩa đen, nghĩa bóng và lấy ví dụ thực tế cho từ đó.

Làm thử các đề tham khảo hoặc đề của những năm trước để rèn luyện thêm. Yêu cầu với phần đọc hiểu là chỉ cần các câu hỏi ngắn gọn, yêu cầu trả lời đúng trọng tâm, đủ ý không cần phân tích dài dòng.

Để làm tốt phần LÀM VĂN học sinh cần ôn gì, làm gì?

Học sinh cần nghiên cứu các dạng văn chứng minh, tham khảo cách phân tích lập luận trong các bài văn tham khảo, song song với việc giải đề, tập làm văn để rèn luyện kiến thức và kỹ năng làm bài.

Ở phần Làm văn sẽ có 2 câu:

Câu 1: Nghị luận xã hội trình bày quan điểm về một chủ đề nào đó (khoảng 200 từ).

Dù đề bài là gì thì khi làm bài các em đều cần huy động cả kiến thức và sự hiểu biết về cả hai lĩnh vực bởi vì bài nghị luận về tư tưởng đạo lí luôn liên quan đến hiện tượng đời sống thực tế đang diễn ra và ngược lại.

Khi làm các bài tập ở nhà, cần rèn luyện tư duy phản biện, tư duy logic để biết phân tích các mặt lợi – hại, đúng – sai của quan điểm cũng như xâu chuỗi nhiều thông tin riêng rẻ để chứng minh cho vấn đề.

Ngoài ra, đề thi có thể xuất hiện các dạng so sánh khá mới mẻ không giống như trước đây, các tác phẩm so sánh sẽ được đối chiếu từ chương trình ngữ Văn 11 và 12. Chẳng hạn như, tìm mối liên hệ tương đồng giữa Người lái đò Sông Đà và Chữ người tử tù…

Câu 2: Phần làm văn 5 điểm.

Đây là phần thi quan trọng vì chiếm một nửa số điểm của bài thi. Do đó trong giai đoạn ôn thi, không chỉ là việc ôn luyện kiến thức mà học sinh phải thực hành thật nhiều, làm các đề thi thử, các đề thi tham khảo, viết các bài văn và tự sửa lỗi sai.

Kinh nghiệm để đạt điểm cao với câu cuối cùng này là:

Lên dàn ý trước khi viết bài: Trước khi phân tích cảm nghĩ cần làm dàn ý tỉ mỉ. Đây là thói quen đa phần học sinh thường bỏ qua, nhưng nó lại là thao tác rất cần thiết để thí sinh đạt được điểm cao. Dàn ý càng chi tiết thì càng hạn chế mắc sai lầm do viết tùy hứng, vì trình bày các luận điểm lộn xộn, thiếu luận điểm, trình bày không nhất quán…

Học sinh cần biết đưa ra quan điểm cá nhân: các đề thi thường là dạng đề mở, vì thế các em nên đưa ra những quan điểm mang màu sắc cá nhân trên tư cách là một công dân nhỏ tuổi quan tâm đến các vấn đề xã hội một cách tích cực, không nên cố gượng tỏ ra là một người lớn tuổi, một nhà chính trị…rất có thể bạn sẽ đánh mất thiện cảm khi giám khảo chấm thi bài của mình.

Môn Lịch sử

Lịch sử là môn thi bao gồm 100% các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết, nội dung trong đề thường rất đa dạng. Do đó các bạn học sinh cần có định hướng bao quát về lịch sử thế giới nói chung và phần lịch sử Việt Nam nói riêng.

Đề thi tốt nghiệp môn Lịch Sử 2023

Hầu hết, học sinh đều ôn luyện riêng lẻ từng bài một mà quên mất việc liên kết và xâu chuỗi các sự kiện để vẽ ra một bức tranh tổng thể. Nếu không biết bao quát các bài học lịch sử thì chắc chắn các em sẽ dễ sa vào “mê cung” với hàng loạt sự kiện chồng chéo lên nhau, dễ gây nhầm lẫn.

Nội dung lịch sử Việt Nam trong chương trình sách 12 sẽ bắt đầu từ 1919 (sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần I) và kết thúc vào năm 2000. Nội dung lịch sử thế giới bắt đầu từ 1945 (sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần II) và kết thúc vào năm 2000. Với hai nội dung lớn này, học sinh cần biết triển khai các chủ đề nhỏ và học theo.

Chẳng hạn như phần lịch sử Việt Nam bao gồm 5 giai đoạn:

  • GĐ 1919-1930: thời kỳ vận động thành lập Đảng.
  • GĐ 1930-1945: đấu tranh giành chính quyền.
  • GĐ 1945-1954: bảo vệ chính quyền và tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
  • GĐ 1954-1975: Cách mạng XHCN miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
  • GĐ 1975 đến năm 2000.

Trong mỗi giai đoạn nhỏ, lại cần đi sâu, đi sát từng vấn đề cốt lõi. Học sinh phải nắm được những sự kiện chính và trả lời được các câu hỏi đối với từng nội dung học như: sự kiện này diễn ra ở đâu, thời gian nào, diễn ra làm sao và ý nghĩa của sự kiện như thế nào?

Các sự kiện lịch sử giống như một dòng chảy thường logic với nhau như những mắt xích, sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến sự kiện kia. Nếu chúng ta hiểu quy luật đó thì việc ôn luyện môn Lịch sử tại nhà sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Còn nếu học tràn lan, rời rạc từng vấn đề, học vẹt thì rất khó nhớ.

Nếu cảm thấy khó khăn khi xâu chuỗi từng sự kiện lịch sử riêng lẻ thì các bạn nên vẽ sơ đồ tư duy của từng giai đoạn trước khi học để biết phân chia luồng thông tin theo nhánh, nên học thuộc từ đâu và học thuộc những kiến thức nào, tránh việc chỉ cầm sách và ngồi đọc nhiều lần. Đọc như vậy chỉ thêm tốn thời gian mà không hề mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, còn một vài lưu ý khác như là khi tìm tài liệu tham khảo trên mạng hay sách báo khác thì cần chú ý xem nguồn gốc thông tin có đáng tin cậy hay không. Vì một số tài liệu phân tích dựa trên quan điểm cá nhân hoặc có nội dung rất xa với kiến thức thực tế trong đề thi.

Điều cuối cùng cần ghi nhớ là tất cả nội dung trong sách giáo khoa Lịch sử đều quan trọng như nhau, đề rơi vào phần nào không thể đoán trước được. Vì vậy, đừng bỏ qua kiến thức, việc học lệch học tủ sẽ khiến các em có thể mất điểm không đáng.

Môn Địa lý

Đề thi THPT – Đại học môn Địa Lý sẽ bao gồm 40 câu hỏi lý thuyết, tuy nhiên các thí sinh sẽ được sử dụng át lát trong khi làm bài thi, do vậy gánh nặng của việc phải học thuộc lý thuyết sẽ giảm tại rất nhiều so với những đề thi tự luận như trước đây.

Đề thi tốt nghiệp môn Địa Lý 2023

Chính vì Atlat là công cụ hỗ trợ cực kỳ cần thiết nên việc chúng ta phải sử dụng thành thạo nó để khi tra cứu những câu hỏi về vị trí địa lý, lãnh thổ, so sánh tài nguyên thiên nhiên, nhiệt độ…thì thao tác sẽ nhanh nhạy hơn, tránh mất thời gian lúng túng khi không biết câu hỏi sẽ tìm tài liệu ở đâu. 

Vì đề thi là lý thuyết nên tâm lý chung của các sỹ tử là sẽ ôn nhồi nhét cố gắng tiếp thu thật nhiều kiến thức nhất là những tháng ôn thi cấp tốc cuối cùng. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là cần phân bổ thời gian ôn thi thích hợp và có tư duy trong việc học Địa lý.

Nội dung ôn tập trọng tâm thường là chương trình sách giáo khoa 12, trong đó riêng Địa lý lớp 11 sẽ tập trung vào chủ đề Đông Nam Á. Học sinh cần rèn luyện thêm ở nhà các phân tích các biểu đồ, bảng số liệu và cách phân bố các đối tượng và mối quan hệ giữa chúng trong mỗi bản đồ.