Để đáp ứng chương trình giáo dục mới, nhiều thay đổi sẽ xuất hiện trong đề thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia từ năm 2025.
Mục lục:
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo phương án mới. Về nội dung, thay vì thi 6 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học Xã hội/ Khoa học Tự nhiên), teen sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn là các môn còn lại được học ở lớp 12 theo chương trình mới (gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Đối với các môn thi trắc nghiệm, đề thi môn Toán giảm từ 50 câu xuống còn 34 câu, môn Ngoại ngữ giảm từ 50 câu xuống 40 câu, các môn thi còn lại giữ nguyên 40 câu hỏi. Các câu hỏi được chia thành 3 phần với độ khó tăng dần qua các câu.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Về hình thức bài thi, môn Ngữ văn vẫn giữ hình thức tự luận, môn Ngoại ngữ giữ hình thức trắc nghiệm như mọi năm, các môn còn lại sẽ thi theo hình thức kết hợp 3 dạng: Trắc nghiệm chọn 1 trong 4 đáp án, trắc nghiệm Đúng/Sai và điền câu trả lời ngắn.
Đáng chú ý, phần chọn đáp án chỉ áp dụng ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Các câu vận dụng thấp sẽ xuất hiện dưới dạng đáp án Đúng/Sai. Ở các câu vận dụng cao, thí sinh sẽ phải tự điền đáp án cuối cùng mà không cần trình bày lời giải.
Việc thay đổi cấu trúc đề thi giúp cho thí sinh thể hiện được đúng năng lực tự duy, tối ưu được điểm số nhờ vào khả năng và hiểu biết của mình. Điểm số cũng đánh giá đúng năng lực và trình độ của thí sinh hơn trước.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp.
Nắm bắt sự thay đổi trong phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025, giáo viên và học sinh cần có sự chuẩn bị từ sớm để đưa ra những phương án ôn tập phù hợp, hiệu quả trong thời gian ôn luyện để đạt được kết quả tốt nhất.
Từ thông tin này, nhiều người dự đoán, các trường Đại học sẽ phải xây dựng phương án tuyển sinh theo hướng giảm bớt các tổ hợp ít thí sinh tham gia, tập trung vào các tổ hợp phổ biến. Như vậy, khả năng cao teen sẽ khó xét tuyển vào một ngành học bằng nhiều tổ hợp.
Vì thế, có thể dự đoán được rằng xu hướng xét tuyển vào các trường đại học bằng phương thức khác như Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy, xét tuyển học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ… sẽ ngày càng tăng. Chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức tốt nghiệp THPT sẽ được giảm ít hơn.
Từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính
Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.