Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học hoàn tất công bố mức điểm sàn trước ngày 2/8. Trên cơ sở đó, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyển trên hệ thống. Vì vậy, thí sinh cần cực kỳ lưu ý, tránh rơi vào ”bẫy” điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn cao.
Mục lục:
Các trường đồng loạt đưa ra mức điểm sàn
Bộ GD-ĐT đã có quyết định chính thức về điểm sàn năm 2022 nhóm ngành sức khỏe và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Nhiều trường ĐH cũng đã đưa ra các mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Nhóm ngành sức khỏe có mức sàn từ 19-22 điểm.
Xem thêm: Điểm sàn khối ngành y dược được giữ ổn định
Được xem là trường đại học thuộc tốp đầu khu vực phía Nam, nhưng năm nay mức điểm sàn xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng chỉ ở mức 20. Với phân hiệu tại Vĩnh Long, mức sàn xét tuyển còn thấp hơn, chỉ 16 điểm.
Điểm sàn của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay từ 16-18 điểm tùy ngành, trong đó 5 ngành có điểm nhận hồ sơ từ 18 điểm trở lên. Thí sinh cần lưu ý để đăng ký cho phù hợp.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có mức điểm sàn xét tuyển điểm thi THPT các ngành từ 18 điểm theo tổ hợp xét tuyển. Trường ĐH Sài Gòn mức điểm sàn xét tuyển cũng dao động từ 15 đến 22 điểm. Trong đó, nhóm ngành có điểm sàn xét tuyển ở mức 16 – 19 điểm khá nhiều.
Xu hướng công bố điểm sàn xét tuyển ở mức vừa phải đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây. Mục tiêu là để các trường đảm bảo đủ số lượng nguồn tuyển trước khi lọc thí sinh chất lượng theo quy tắc từ cao xuống thấp cũng như tham chiếu các tiêu chí để ra mức điểm chuẩn trúng tuyển.
”Bẫy” điểm sàn thấp
TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết: ”Thực tế, mức điểm sàn xét tuyển với điểm chuẩn trúng tuyển sẽ không bao giờ song hành hay tương xứng với nhau. Bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng hồ sơ xét, sự quan tâm của thí sinh với nhóm ngành nghề, tỷ lệ chỉ tiêu các trường cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, thí sinh hết sức thận trọng và cân nhắc chọn ngành nghề theo học ở các trường mình yêu thích sau khi tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển 2 – 3 năm trước một cách kỹ lưỡng”.
Thực tế, “bẫy” điểm sàn thấp khiến nhiều thí sinh chủ quan và phải trả giá là chuyện thường xuyên xảy ra ở các mùa tuyển sinh.
Năm 2021, mức điểm sàn ngành Y khoa của trường ĐH Y Hà Nội là 21 điểm, nhưng điểm chuẩn mà trường đưa ra lên đến 28,75. Như vậy, điểm chuẩn đã cao hơn điểm sàn đến gần 8 điểm.
Tương tự, ngưỡng điểm sàn năm ngoái đặt ra của khối ngành sư phạm là 19 điểm. Trong khi đó ngành tiếng Anh của trường ĐH Sư phạm Hà Nội lấy 28 điểm, hoặc Toán tiếng Anh lấy 27,7 điểm.
Việc điểm chuẩn cao hơn điểm sàn vượt dự tính của thí sinh 3 – 4 điểm, thậm chí 5-7 điểm là chuyện không hiếm. Nhìn vào đây ta thấy mức điểm sàn các trường đưa ra không có nhiều giá trị tham khảo, bởi mức điểm ấy đơn thuần chỉ là đảm bảo điều kiện đủ để thí sinh tham gia xét tuyển. Thí sinh cẩn trọng hơn khi đăng ký nguyện vọng dựa vào điểm sàn.
Sắp xếp nguyện vọng hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển
Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần so sánh điểm của mình với điểm chuẩn của năm 2021. Từ đó mạnh dạn đăng ký 3 – 5 nguyện vọng vào trường mình yêu thích và mong muốn.
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, trường hợp bị trượt các nguyện vọng này, các em cũng không bị ảnh hưởng quyền lợi ở các nguyện vọng sau. Với những thí sinh có mong muốn vào một ngành cụ thể của trường ĐH nào đó thì nên tận dụng tất cả cơ hội theo các phương thức để đăng ký nguyện vọng.
Xem thêm:
Dự đoán điểm chuẩn các khối ngành năm 2022
Điểm sàn xét tuyển trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
ĐIỂM SÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
ĐIỂM SÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN NĂM 2022