Thí sinh có nên chờ đợi các trường đại học xét tuyển đợt bổ sung hay không?

Vào thời điểm này, khi các trường đại học chuẩn bị bước vào giai đoạn lọc ảo để công bố điểm trúng tuyển, trước thực tế tình hình đăng ký nguyện vọng, các chuyên gia từ các trường ĐH đã đưa ra lời khuyên với thí sinh về việc có nên chờ đợi xét tuyển đợt bổ sung hay không.

Các quy định chung về xét tuyển đợt bổ sung

Xét tuyển bổ sung sẽ diễn ra trong trường hợp các trường ĐH, CĐ chưa tuyển đủ số sinh viên trong lần xét tuyển đợt 1 (do ít thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển hoặc nhiều thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học). Đa phần các trường chỉ xét đến đợt 2 là đủ chỉ tiêu, tuy nhiên cũng có nhiều trường xét tuyển thêm các đợt khác cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh phải xác nhận nhập học đợt 1 từ ngày 5/10 đến trước 17h ngày 10/10. Các trường xét bổ sung cần chủ động cập nhật lịch bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển. Thí sinh cần thường xuyên theo dõi thông tin trên website của trường ĐH, CĐ để nắm rõ về lịch xét tuyển.

Về điểm trúng tuyển trong đợt bổ sung, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm trúng tuyển đợt 2 không được thấp hơn so với đợt 1. Đa phần các ngành xét tuyển đợt bổ sung đều có điểm bằng hoặc cao hơn so với đợt 1, thậm chí nhiều ngành điểm xét bổ sung còn cao hơn rất nhiều.

Trường hợp nào được tham gia xét tuyển bổ sung

Trường hợp 1: Thí sinh không đỗ tất cả các nguyện vọng đã đăng ký trong đợt 1;

Trường hợp 2: Thí sinh đỗ nguyện vọng đã đăng ký nhưng không xác nhận nhập học;

Trường hợp 3: Trong đợt 1 thí sinh không đánh dấu tick vào mục số 9 “Thí sinh có dùng kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ”

Vì sao các trường đại học lại xét tuyển bổ sung?

Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, có rất nhiều bạn có cùng chung một suy nghĩ: Liệu các trường đại học có xét tuyển đợt 2, 3,… nữa không?

Trước tiên phải giải thích vì sao phải xét tuyển bổ sung. Ví dụ, một trường sẽ xét tuyển thêm đợt bổ sung nếu ở đợt 1, họ không tuyển đủ chỉ tiêu theo đề án đã đề ra. Trường A năm nay có chỉ tiêu là 400, nhưng số lượng nhập học sau tuyển sinh đợt 1 chỉ là 300 chẳng hạn. Còn thiếu so với chỉ tiêu 100 thì bắt buộc trường A phải thực hiện xét tuyển đợt 2 hoặc 3… để bổ sung chỉ tiêu.

Vậy thì nguyên nhân tại sao trường A lại thiếu chỉ tiêu? Có 2 nguyên nhân chính như sau:
Nguyên nhân 1: Do ở đợt xét tuyển thứ nhất, trường A có số lượng thí sinh đăng ký quá ít (ví dụ chỉ tiêu 400 mà có mỗi hơn 300 bạn đăng ký. Hoặc có 500 bạn đăng kí nhưng hầu hết đã trúng tuyển ở các nguyện vọng khác).

Nguyên nhân 2: Đợt xét tuyển thứ nhất đã tuyển đủ. Nhưng đến khi xác nhận nhập học hoặc nhập học, các bạn lại không xác nhận hoặc không đến nhập học nữa.

Có nên chờ đợt xét tuyển bổ sung của trường hay không?

Các bạn sẽ nhận ra rằng ở những trường TOP đầu, chuyện này rất hiếm/ thậm chí không xảy ra. Có khi nào Bách Khoa, Ngoại Thương, Y Hà Nội/HCM… lại có quá ít thí sinh đăng ký không? Câu trả lời là không bao giờ. Thế nên, nguyên nhân này chỉ xảy ra với những trường (hoặc ngành) top dưới mà thôi.

Qua phân tích ta rút ra được kết luận là:

Sẽ rất hiếm (gần như không) xảy ra chuyện các trường TOP trên xét tuyển đợt 2 (bổ sung). Và ngược lại, việc xét tuyển đợt 2 sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các trường top dưới.

Vậy nên, một số bạn hiện tại đã đỗ các nguyện vọng CÓ THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC (đỗ các trường/ngành top giữa hoặc top cận trên chẳng hạn) còn đang phân vân việc nhập học hay là xét tuyển đợt 2 thì nên nhập học hoặc thi lại. Không nên trông chờ vào xét tuyển đợt 2.

Kết luận

Dù với những quy định trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo điều kiện cho thí sinh, tuy nhiên việc bỏ lỡ xét tuyển đợt 1 và chấp nhận đợi đợt bổ sung là việc khá mạo hiểm, thí sinh cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Một số lưu ý các thí sinh cần nắm rõ:

+ Đa phần các trường top đầu và những ngành hot đều đã đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Vì vậy, các trường và ngành tham gia xét tuyển bổ sung đa phần đều khá kén người học nên mới thiếu chỉ tiêu.

+ Điểm xét tuyển bổ sung chỉ được bằng hoặc cao hơn đợt 1. Như đã nói ở trên, điểm đợt bổ sung thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với đợt 1.

+ Có nhiều thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học và quyết định đợi đợt bổ sung của trường mình mong muốn. Tuy nhiên, có thể trường thí sinh mong muốn sẽ không xét thêm đợt bổ sung do đã đủ chỉ tiêu.

Mong rằng những thông tin trên có thể giúp các thí sinh hiểu rõ hơn về xét tuyển đợt bổ sung, cũng như có được quyết định đúng đắn nhất về việc nộp hồ sơ xét tuyển.

Xem thêm:

Kinh nghiệm luyện đề thi THPTQG tiến bộ rõ rệt nhất

Điểm chuẩn ĐGNL Đại học Công Nghệ TPHCM: cao nhất 900 điểm

Thí sinh lưu ý cẩn thận ”bẫy điểm sàn”: điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn gần 30 điểm

NHỮNG ĐIỂM ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH 2022